IQC_Hoi nghi det may

Ngày 20/3, Vụ Pháp chế và Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Phổ biến Thông tư số 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may” tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan gồm Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thành phố, Cục Hải quan, các doanh nghiệp (DN) tại khu vực phía Nam và Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC (tổ chức chứng nhận) được Bộ Công thương chỉ định là tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động liên quan đến sản phẩm dệt may.

Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế – cho biết: “sản phẩm dệt may là một trong các sản phẩm thiết yếu hằng ngày, vì vậy việc đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, để cụ thể hóa trách nhiệm này, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quy định mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may trước khi đưa ra thị trường”

IQC_Hoi nghi det may
Ông Nguyễn Anh Sơn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội nghị.

Được biết Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ngày 23/10/2017  có hiệu lực thi hành ngày 1/5/2018. Theo Quy chuẩn này, mức giới hạn về hàm lượng formaldehyt không được vượt quá 30 mg/kg đối với sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi; 75 mg/kg đối với sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da và 300 mg/kg đối với sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với da. Đối với hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.

Ngoài quy định về hàm lượng formalhyt, amin thơm, Thông tư số 21 còn quy định các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam  phải được công bố phù hợp quy định tại quy chuẩn này và gắn dấu hợp quy CR theo các quy định khác.

Các sản phẩm như: hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển của tổ chức, các nhân trong định mức miễn thuế; hàng mẫu để quảng cáo không có giá trị sử dụng để nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất; hàng hóa nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ… sẽ không chịu sự quản lý của thông tư này.

Theo ông Sơn, trước đây việc kiểm tra mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được thực hiện theo hình thức tiền kiểm, hàng hóa nhập khẩu có kết quả kiểm tra mới được thông quan, hàng hóa có kết quả  kiểm tra mới đưa vào nhà máy sản xuất. Trong khi đó, Thông tư số 21 được thực hiện hậu kiểm, tức DN sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra khi hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cho biết, Thông tư 21 ra đời giúp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát dễ thực hiện hơn nhờ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia  được quy định rõ.

Ông Vũ Đức Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC phát biểu tại Hội nghị.
Ông Vũ Đức Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, không ít DN dệt may cho rằng, còn quá sớm để đánh giá được tính ưu việt của Thông tư 21 so với quy định của các văn bản trước đây, mà cần phải có thời gian để thẩm định.

Chia sẻ tại hội nghị, các DN phản ánh hiện chưa nắm rõ thông tin về Thông tư, trong khi thời gian thực hiện quá ngắn, hàng tồn kho nhiều. Bởi vậy, nhiều DN đặt câu hỏi, nếu thời gian áp dụng đến gần, nhà sản xuất không kịp để thực hiện chứng nhận hợp quy có bị phạt, mức phạt là như thế nào?…

5DSC09554

Đại diện công ty may Zara đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan.

Đại diện Tổng công ty Dệt may Việt Tiến cho biết, công ty hiện nay có 700 – 800 đại lý và có hơn 3 triệu sản phẩm được sản xuất theo quy chuẩn cũ. Như vậy ngày 1/5/2018, Thông tư 21 có hiệu lực thì rất khó để DN chuyển đổi theo yêu cầu mới.

4DSC09567
Đại diện Công ty CP may Việt Tiến đặt câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Phạm Thu Giang- Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ – cho biết, nhiều DN nói rằng chưa nắm rõ các quy định của Thông tư 21 là không hợp lý, bởi Thông tư 21 đã ban hành từ 6 tháng trước đây, được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, các cơ quan chuyên trách của Bộ cũng đã nhiều lần làm việc với các hiệp hội và các DN.

3DSC09541
Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Thông tư 21/2017/TT-BCT

“Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các DN và đặc biệt là cung cấp các thông tin cho DN hoạt động trong lĩnh vực này có thể tham gia vào hoạt động thương mại trong chuỗi toàn cầu hóa, trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN và coi đây là nhiệm vụ trong tâm của Bộ Công Thương”- ông  Sơn nhấn mạnh.

Ảnh: IQC-VPSG