Đó là một trong những quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 về quản lý phân bón vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Theo đó, phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng. Chỉ khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì lô phân bón nhập khẩu đó mới hoàn thành thủ tục hải quan.

Trước khi có kết quả kiểm tra và thực hiện theo quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lô phân bón được phép đưa về kho để bảo quản.

Để nhận được Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu, tổ chức hoặc cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.

Hồ sơ bao gồm: Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu; bản sao hợp đồng mua bán, danh mục hàng hóa (kèm theo).

Đối với danh mục hàng hóa kèm theo, doanh nghiệp hoặc cá nhân phải ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng; hóa đơn hàng hóa; vận đơn (đối với trường hợp hàng hóa nhập theo đường hàng không, đường biển hoặc đường sắt).

Cơ quan kiểm tra sẽ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế sự phù hợp của lô phân bón tại địa điểm lấy mẫu so với tài liệu trong hồ sơ. Trong trường hợp phù hợp sẽ tiến hành lấy mẫu phân bón.

Sau 10 ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân.

Nếu lô hàng đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục cần thiết để nhập khẩu phân bón vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các cá nhân, doanh nghiệp không phải làm thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước về phân bón trong các trường hợp sau:

– Phân bón tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu.

– Phân bón gửi kho ngoại quan.

– Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu phân bón nội địa vào khu chế xuất.

– Phân bón để khảo nghiệm.

– Phân chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí.

– Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam.

– Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu.

– Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm.

– Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu.

– Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học.